Dẫu đã ở tuổi U80 nhưng họa sĩ Lê Đại Chúc vẫn nay Hải Phòng, mai TP Hồ Chí Minh, mốt lại về Hà Nội. Anh không ở yên ở đâu bao giờ. Có lẽ máu chàng thủy thủ viễn dương thời trẻ từng chu du đây đó vẫn còn bỏng cháy trong anh. Không ngừng đi và không ngừng vẽ đã là đặc điểm cuộc đời Lê Đại Chúc mấy chục năm nay…
Bẵng đi cả năm, đang trong lúc không biết Lê Đại Chúc đang ở đâu thì bất chợt Lê Đại Chúc ghé thăm tôi. Anh nói từ nay có lẽ anh sẽ thường xuyên ở Hà Nội hơn bởi anh sẽ có một phòng trưng bày tranh ở thủ đô. Có lẽ Lê Đại Chúc là một trong những họa sĩ vẽ nhiều nhất nước ta, cho đến nay anh đã có hàng ngàn bức. Ngoài khá nhiều tranh đã được người hâm mộ và các nhà sưu tập trong và ngoài nước sở hữu, tranh của anh, trong đó có rất nhiều bức cỡ lớn, hiện để ở nhà anh ở Cầu Đất, Hải Phòng, ở nhà con cái tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và rất nhiều tranh anh gửi ở nhà bạn bè. Riêng tôi, ngoài gần chục bức tranh anh tặng, anh còn gửi tôi giữ hộ đến vài chục bức. Lần này anh đến chở số tranh ấy đi để chuẩn bị cho phòng tranh của anh ở Khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên, một trong những khu đô thị hiện đại nhất thủ đô Hà Nội.
Phòng tranh ấy có được là nhờ một người bạn mới của anh, doanh nhân Đào Xuân Tình hay thường được gọi là Tình Peugeot. Có được cái tên gọi ấy là bởi người đàn ông Hà Nội gốc phố cổ này là nhà sưu tập xe đạp Peugeot Pháp nổi tiếng trong nước và thế giới. Anh hiện có bộ sưu tập hơn 200 xe đạp Peugeot các loại, các đời, từ đời năm 1918 đến trước 1980. Đây là bộ sưu tập đã chiếm các kỷ lục: kỷ lục thế giới, kỷ lục Asian, kỷ lục Đông Dương và kỷ lục Việt Nam. Đào Xuân Tình đang có ý định dành một căn nhà mượn của bạn bè gần nhà anh tại khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên, làm nhà trưng bày bộ sưu tập Peugeot ấy. Quen Lê Đại Chúc vài tháng trước tại TP Hồ Chí Minh, Đào Xuân Tình bị nghệ thuật hội họa của Lê Đại Chúc mê hoặc. Anh đề nghị Lê Đại Chúc sẽ cùng mình thực hiện một khu trưng bày tổng hợp tại căn biệt thực lớn mà anh định chỉ dành cho bộ sưu tập Peugeot nổi tiếng của mình, Lê Đại Chúc sẽ có phòng trưng bày tranh ở tầng trên, tầng dưới sẽ trưng bày bộ sưu tập Peugeot của Đào Xuân Tình. Và khu trưng bày thú vị đó đã ra mắt ngày thứ bảy 4/1/2020 tại biệt thự số 28 đường Anh Đào 8 khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên trong sự chào đón của bạn bè, đồng nghiệp người thân, các văn nghệ sĩ, các doanh nhân nổi tiếng.
Ở phòng tranh tại Hà Nội, Lê Đại Chúc đã đem tới những tác phẩm mới nhất của mình. Vẫn là một Lê Đại Chúc quen thuộc như ta từng biết nhưng trẻ trung biến ảo khôn lường. Ông “Vua chân dung” của hội họa Việt Nam vẫn đưa ra những bức chân dung rất ấn tượng, bên cạnh các chân dung mới về Phật, Chúa ngày một gần gũi hay chân dung các danh nhân trong và ngoài nước và các bức chân dung phụ nữ đầy thần sắc. Chùm sáng tác mới nhất của anh như các bức “Chư ngã vô pháp”, “Hai vũ nữ”, “Lên đường 1”, “Lên đường 2”, “Kỵ sĩ 1”, “Kỵ sĩ 2”, “Người và ngựa 1”, “Người và ngựa 2”, “Tình yêu”…cho thấy sự mới mẻ trong ý tưởng sáng tạo cũng như cách tạo hình, bố cục hình và màu cực kỳ trẻ trung biến ảo, điều mà các họa sĩ lớn tuổi như anh khó có thể làm được. “Họa sĩ Lê Đại Chúc vẫn đang thay đổi đáng kinh ngạc ở tuổi U80, anh vẫn đang đi tìm cái mới không ngừng nghỉ, không mệt mỏi”, một họa sĩ trẻ nổi tiếng đã nhận xét thế khi xem các bức tranh này của Lê Đại Chúc. Một trong những thay đổi lớn nhất của tranh Lê Đại Chúc là dù tranh anh vẫn giàu chất tư tưởng, màu vẫn đẹp, rực rỡ, mạnh mẽ, phóng túng, ngang tàng, không chấp nhận các khuôn phép nhưng ngày càng giản dị hơn, đằm thắm hơn, thân thuộc hơn, trần thế hơn. Tôi chợt nhớ nhận xét của nhà văn Chu Lai về tranh Lê Đại Chúc: “Dường như tất cả những khắc khoải, vui buồn trần thế đều được hội tụ đặm đặc ở đây. Bằng tài hoa táo bạo đượm chất tâm linh huyền hoặc, tranh của anh đã đưa cảm nhận của người xem bay lên khỏi cõi tục huyền để hòa nhập với những lấp lánh của trời đất, thiên nhiên, vũ trụ bí hiểm, rộng dài”…
Lê Đại Chúc nói với tôi rằng cho tới nay anh vẫn chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình tìm đến ý nghĩa thực sự của nghề vẽ. Anh cũng thường nói họa sĩ dù vẽ gì cũng là tự họa, là vẽ chân dung của cuộc đời mình, tâm hồn mình, anh sống thế nào thì tranh anh thế ấy. Tôi tin những chiêm nghiệm ấy của anh bởi hiểu rõ chính Lê Đại Chúc là trường hợp rõ nhất chứng minh cho những chiêm nghiệm của anh. Lê Đại Chúc vẫn đang sống hết mình, yêu hết mình, học hết mình, chơi hết mình, vẽ hết mình và những điều đó thể hiện rất rõ trong sức sống, sự mới mẻ, sức hấp dẫn kỳ lạ của tranh anh.
Tự tin, phóng túng, không ngừng sống không ngừng đi không ngừng vẽ làm nên Lê Đại Chúc, một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam hiện nay.