Lê Đại Chúc sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ trí thức . Trong suốt thời niên thiếu ông đã có cơ hội làm quen với nhiều họa sĩ và thi sĩ lớn của Việt Nam , những người vốn có quan hệ thân thiết và thường tới chơi với gia đình ông . Bố ông , nhà văn , nhà thơ nổi tiếng Lê Đại Thanh là bạn thân của hai họa sĩ bậc thầy Việt Nam Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái – những người thường lui tới nhà ông . Cậu bé và sau này là cậu thanh niên Lê Đại Chúc thường ngồi nghe chăm chú và say sưa những câu chuyện của họ . Được họ chỉ bảo và khích lệ , ông vững tâm noi theo tấm gương của họ , trở thành một họa sĩ giỏi hoặc sẽ chẳng là gì hết .
Những kiến thức hội họa và kĩ thuật của Lê Đại Chúc – Người họa sĩ tự học đều có được qua những cuộc nói chuyện của hai họa sĩ Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái . Năm 1978 , Lê Đại Chúc vào Thành phố Hồ Chí Minh để được gần gũi hơn với họa sĩ Nguyễn Sáng – Người thầy tinh thần của mình. Đối với người thanh niên này , những năm tháng học nghề lâu dài và sau đó là mối quan hệ thầy trò, sự giáo dục về cả tinh thần và kỹ thuật quả là rất quan trọng. Trong suốt thời kỳ này ông đã thu được những kiến thức hoàn chỉnh về Lịch sử hội họa , đặc biệt là nghệ thuật hội họa phương Tây và Việt Nam, đó là cái đã giúp ông trở thành một trong những họa sĩ Việt Nam uyên bác hơn cả. Người đem đến cho ông nhận thức để vẽ là họa sĩ Nguyễn Sáng, còn họa sĩ Bùi Xuân Phái, người luôn có mặt ở nhà ông lúc ông vào Thành phố Hồ Chí Minh là người đã đem lại cho ông nhận thức về không gian, màu sắc và cảm giác.
Lê Đại Chúc có một lý tưởng lớn với hội họa của mình, theo ông tranh sơn dầu là loại hình hội họa cao quý nhất và có thể đạt đến mức độ cao nhất của tâm hồn. Sơn dầu, loại chất liệu ông ưa thích thường được sử dụng gắn với sự chính xác và mau lẹ, đó cũng là loại chất liệu tốt nhất để ông biểu đạt tâm hồn và ước muốn của mình. Lê Đại Chúc là một họa sĩ đúng với nghĩa của từ này. Ông đã vượt qua được cái hời hợt bên ngoài cổ truyền và hiện đại, lãng mạn hay hiện thực, trừu tượng hay tượng trưng.
Tài năng của ông bao quát tất cả các đề tài như: phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, hoa… với những đề tài ông đã vẽ ra không phải chỉ là sự hiện diện của chúng mà là sự tồn tại của chúng trong cảm xúc của ông. Tranh sơn dầu trên vải khổ lớn của ông là một tấm màn thể hiện, bố cục luôn được chọn lọc kỹ càng, mầu sắc đi đến sự tươi sáng vô cùng. Những bức tranh sơn dầu này chính là những hình ảnh của nội tâm rõ ràng và khó quên. Tranh tĩnh vật, hoa, phong cảnh của ông sử dụng triệt để ánh sáng, làm cho nó nhã nhặn hoặc mạnh mẽ. Người ta cho rằng đề tài mà Lê Đại Chúc yêu thích lại là vẽ chân dung, những tác phẩm đã đem lại tiếng tăm cho ông. Ở đó mối liên hệ trực tiếp giữa họa sĩ và người mẫu đã phủ nhận những cái dễ dãi và sai lầm. Họa sĩ phải dựa vào cách biểu hiện của người mẫu để rồi làm toát ra không chỉ vẻ ngoài cơ thể mà cả tâm hồn của người mẫu. Trong số những bức tranh đã hoàn chỉnh của ông, có lẽ bức vẽ chân dung bố ông Lê Đại Thanh là bức họa đẹp nhất : cách vẽ , sự cao quý , sự huyền bí , đây là lời chú giải của nhà thơ .
Vũ Hoa Thạch dịch