NHỮNG KỶ NIỆM CỦA HỌA SĨ LÊ ĐẠI CHÚC VỚI BẠN BÈ NƯỚC NGOÀI

Sài Gòn, một ngày đẹp trời, hoạ sĩ Lê Đại Chúc tới một gallery (chủ là anh Bắc, bạn của cháu Lê Vy). Hai anh em đang hàn huyên về một vài bức tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm mà anh Bắc mới mua được thì một quý bà mắt xanh tóc vàng bước vào. Thế là Chúc vừa nói chuyện vừa làm phiên dịch cho anh Bắc. Qua câu chuyện, được biết bà này biết đến hội hoạ Việt Nam qua 2 Gallery ở Hồng Kông, bà thích tranh của Bùi Xuân Phái và bà đã mua được một chân dung bạn của Phái. Được biết Lê Đại Chúc cũng là hoạ sĩ và có nhiều tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… bà xin được tới nhà Chúc để xem. Ngày hôm sau tại nhà Lê Đại Chúc bà mới cho biết bà là Anabel Loyd, Chủ tịch tổ chức The Street Kids internatinonal (Tạm dịch: Trẻ em vô gia cư thế giới) do Công chúa Diana thành lập nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo trên thế giới.

Đánh giá tranh của Lê Đại Chúc rất dễ bán tại London nên bà Anabel Loyd mời Lê Đại Chúc triển lãm tại London, số tiền thu được sẽ dùng cho quỹ The Street Kids Internatinonal. Vì có thiện cảm với Việt Nam nên bà Anabel Loyd đã tổ chức khai mạc triển lãm rất hoành tráng. Toà nhà tổ chức triển lãm được kiến trúc sư lừng danh thế giới Courvoisier thiết kế. Hai lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn được treo trang trọng dọc theo hai bên cửa ra vào. Một đoàn múa lân (không rõ của Việt kiều hay Hoa kiều) nhảy múa tưng bừng. Bà còn mời các nhân vật danh giá của London tới dự, trong đó có cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Sir Edward Heath. Ngài Edward Heath sau đó đã mua bức tranh “Mưa trong nắng” của hoạ sĩ Lê Đại Chúc và tiếp hoạ sĩ tại Phủ Thủ tướng. Ngài đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh trong buổi chiêu đãi đã nói “Cám ơn hoạ sĩ Lê Đại Chúc đã làm mát mặt sứ quán”. Mấy ngày sau bà Anabel Loyd thu xếp để hoạ sĩ Lê Đại Chúc trả lời phỏng vấn trực tiếp của đài BBC (World Wise Service – phát đi toàn thế giới) rồi sau đó trả lời trực tiếp phỏng vấn của London Radio (phát riêng cho London). Khi tới London Radio, hoạ sĩ Lê Đại Chúc có mang theo 1 bức tranh hoa mới vẽ sáng sớm (khoảng 1 tiếng). Đang ngồi đợi đến lượt phỏng vấn thì 1 quý ông sang trọng đi qua. ông ta dừng lại hỏi:

– Tranh này của ai?

– Của tôi, tôi mới vẽ sáng nay!

– Ông có bán không?

– Có!

– Bao nhiêu?

– 2000 pound.

– Ông lấy séc không?

– Không! Tôi lấy tiền mặt

– Ông đợi tôi 1 lát.

Một lát sau ông ta quay lại đưa cho hoạ sĩ 2000 pound và cám ơn (Năm 1995 thì 2000 pound tương đương 5000 đô la bây giờ). Ông nói vừa nhìn thấy bức tranh ông mê ngay. Mê vì màu sắc rực rỡ và lối vẽ cực kỳ phóng túng, chứng tỏ tay nghề điêu luyện. Chúc hỏi ông là ai, ông nói ông là Giám đốc Đài phát thanh London. Tin đồn có hoạ sĩ Việt Nam vẽ chân dung và hoa vừa nhanh vừa đẹp lan trong giới sưu tầm và hoạ sĩ tại London. Không rõ có phải “tự ái” hay không mà hoạ sĩ Humphrey Ocean – Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia Anh quốc, thông qua bà Anabel Loyd mời Lê Đại Chúc tới xưởng vẽ của ông để vẽ chân dung cho nhau. Chúc hiểu đây là “cuộc thi vẽ nhanh” nhưng Chúc vẫn vẽ như bình thường, thong thả và cẩn trọng trong khi Viện sỹ Viện hàn lâm vẽ như nhập đồng. Kết quả là sau 2 tiếng Chúc vẽ xong 1 chân dung ông Viện sĩ còn ông Humphrey Ocean vẽ xong 2 chân dung Chúc. Quả thực không hổ danh Viện sĩ Viện hàn lâm nhưng ông Viện sĩ cũng phải nói: “Bức chân dung ông Chúc vẽ tôi là bức chân dung đẹp nhất mà tôi đã từng được các đồng nghiệp vẽ”. Thấy chân dung bà Anabel Loyd và Viện sĩ Viện hàn lâm Humphrey Ocean do Chúc vẽ quá đẹp, nữ diễn viên nổi tiếng của London, Sherry Lunghi cũng mời hoạ sĩ vẽ chân dung mình. Sau 2 tiếng bức chân dung cũng hoàn thành với sự vui mừng tột độ của người mẫu. Để kỷ niệm những ngày hoạ sĩ Lê Đại Chúc sống và vẽ tại London, bà Anabel Loyd đã thuê 1 nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng đi chụp ảnh tất cả các hoạt động của Chúc trong 1 ngày tại London. Trong đó có bức ảnh Chúc trên nền 1 cuộc biểu tình của một số người London chống chính quyền Pháp đang thử bom nguyên tử lúc đó.

Hoạ sỹ Lê Đại Chúc là người rất tự tin. Bằng trực giác nhạy cảm của mình ông tự đánh giá được tác phẩm của mình và biết mình là ai nhưng đồng thời ông cũng rất “biết người biết ta”.

Ông thực lòng vui sướng khi thấy một bức tranh đęp của bất kỳ ai, kể cả của những nhà văn nhà thơ, những hoạ sỹ trẻ. Ông trân trọng quý mến những hoạ sỹ có tài thực sự. Ông tôn trọng tính cá nhân, sự độc đáo, tính duy nhất của mỗi con người. Hiểu và cảm khá sâu về Phật giáo, về thiền, Lê Đại Chúc biết tất cả những việc ông làm, những người ông gặp…chỉ là những cơ duyên, chỉ là nhân quả, chỉ là ” trời cho”… Nhiều khi một mình giữa các bảo tàng lớn tại Pháp, tại Anh, tại Mỹ. Nhiều khi đang trao đổi với các giáo sư, tiến sỹ của các Đại học lừng danh trên thế giới, đột nhiên Lê Đại Chúc lại nhớ tới những người thầy, người anh của mình. Những người vừa có tài năng lớn, vừa có nhân cách lớn. Những Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Các anh không dược may mắn như mình. Mỗi lần như vậy Chúc chỉ nói thầm “Cảm ơn Thượng đế”. Những dịp sống và vẽ ở nước ngoài, gặp những ai quan tâm tới hội hoạ Việt Nam, muốn biết ai là xuất sắc, có thể làm việc được, hoạ sỹ thường giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh có Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, thành phố Hà Nội có Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hoà, Lê Quảng Hoà. Đinh Quân…Vừa là hoạ sỹ vừa là nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật có Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng.

Năm 1997 Lê Đại Chúc và Phan Cẩn Thượng cùng sang Mỹ. Cả hai cùng ở nhà của hoạ sỹ David Thomas Ở Boston. Lê Đại Chúc vẽ tặng vợ chồng David một bức tranh hoa theo phong cách hiện dại. Ngày hôm sau bố mẹ David trên đường đi tránh rét tại Miami – Florida có ghế thăm con trai. Thấy bức tranh hoa đęp quá, ông bà xin mang về nhà chơi.

Nhân ngày lễ tạ ơn (Thank giving) hoạ sỹ David Thomas nhờ Chúc vẽ chân dung vợ, một phụ nữ trí thức rất dễ thương. Bà vợ nói: “Ngày hôm nay tôi phải nướng một con gà tây, làm sao ngồi làm mẫu được”. Chúc nói: “Đừng lo, chỉ cần 02 lần, mỗi lần 10 phút là đủ. 20 phút này là giành cho đôi mắt và đôi môi. Còn tóc tai, quần áo, nền tranh, tôi tự vẽ được”. Quả thực sau một tiếng bức chân dung đã được hoàn thành khiến vợ David rất vui. Nhân lúc đang có hứng Chúc cũng vẽ tặng Phan Cẩm Thượng 3 chân dung bằng mực tàu trên giấy dó. Thượng có đôi mắt và bộ râu rất đẹp vì thế đặt bút là xong ngay.

Một hôm Chúc và Thượng tham quan bảo tàng nghệ thuật Boston. Vì vừa là hoạ sĩ vừa là nhà phê bình Mỹ thuật nên Thượng chăm chú tìm sách. Bất chợt Thượng nói: “Anh Chúc, anh khao em cái gì, em nói cho anh cái này hay lắm”. Chúc nói: “Giữa nước Mỹ bao la này còn có gì liên quan tới anh nữa”. Thượng nói: “Anh có tên trong 10 hoạ sỹ Việt Nam đương đại, được in trong sách của họ đây này. Có cả địa chỉ và số phone nữa nhé”. Thế là Chúc phải bỏ ra 45 đô la Mỹ để mua. Đây là lần thứ 2 Lê Đại Chúc được tuyển chọn. Lần trước năm 1995 Gallery Lã Võng tại Hồng Kông cũng chọn Chúc là một trong 15 hoạ sỹ đương đại của Việt Nam cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hoà, Nguyễn Quân…

Tháng 6 năm 1993 giáo sư tiến sỹ nhân chủng học (Professor of Anthropology) HerbertP. Phillips người đã từng là trợ lý cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Henry Kissinger dược Hội đồng văn hóa Châu Á (ASIAN Cultural Counsil) do ngài Ralph Samuelson làm giám đốc, tài trợ cho chuyến đi nghiên cứu hội hoa Việt Nam và giúp Việt Nam tổ chức một triển lãm trên bình diện thế giới. Ngài Phillips tới thăm xưởng họa của họa sĩ Lê Đại Chúc. Trong khi nói chuyện, đột nhiên ông Phillips nói: “Ngày mai là sinh nhật tôi, trùng với quốc khánh Mỹ, mà tôi lại đang ở Việt Nam, cô đơn hoàn toàn”. Nói xong ông bật

khóc. Chúc nói với ông: “Đừng buồn. Ngày mai tôi sẽ tổ chức sinh nhật cho ông”. Ngày hôm sau gia đình Chúc đặt một phòng VIP tại một nhà hàng, đặt cho ông một bánh sinh nhật không thể to hơn và mời thêm một số họa sỹ chúc mừng sinh nhật ông.

Ông Phillips nói “Chuyện này vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi không ngờ người Việt Nam lại lịch sự và sang trọng như vậy. Tôi sẽ kế cho bạn bè tôi ở Mỹ và không bao giờ quên”.

Sau 2 tuần làm việc tại Việt Nam, trở về Mỹ, trong báo cáo gửi ngài Ralph Samuelson, ông viết “Tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đặc biệt ấn tượng về họa sĩ Lê Đại Chúc, người vẽ như được đào tạo tại Paris và Hồ Hữu Thủ là một trong những họa sĩ sơn mài còn sống xuất sắc nhất mặc dù Nguyễn Gia Trí, người vừa mới chết tháng này năm ngoái được các họa sĩ suy tôn là bậc thầy thực sự của nghệ thuật sơn mài”.

Năm 1993, vài gallery ở Hồng Kông và Singapore bắt đầu đế ý tới hội họa Việt Nam. Nổi bật là gallery Lā Vọng và gallery Blum Blossom. Ông chủ gallery Blum Blossom cử nhà phê bình hội họa Jeffrey Hantover sang nghiên cứu viết bài. Gặp một số họa sĩ ông mê ngay tranh của họa sĩ Thành Chương. Ông nhờ Lê Đai Chúc làm phiên dịch. Tham gia cuộc phỏng vấn còn có cô Nora Taylor, một người Mỹ, cũng đang nghiên cứu hội họa Việt Nam. Cô là bạn thân của họa sĩ Nguyễn Quân. Trong cuộc phỏng vấn, họa sĩ Thành Chương kể về quāng đời là chiến sĩ phá bom nổ chậm và tên các loại vũ khí, binh chủng… Chúc dịch được hết. Cô Nora Taylor quá ngạc nhiên nói: “Ông Chúc, ông học ở đâu mà biết nhiều thế”. “Tôi tự học là chính”. Chúc trả lời.

Những khi ở nước ngoài, mỗi khi trả lời phỏng vấn của báo chí hoặc đài phát thanh, họa sĩ Lê Đại Chúc luôn nói về “những điều tốt đẹp có thực” và tạm quên đi “những điều chưa tốt đẹp cũng có thực” của đất nước. Vì vậy ông Pat- giáo sự, tiến sĩ toán học của đại học Colombia- Newyork nói “Ông Chúc ạ, khi nói về nghệ thuật thì ông đúng là nghệ sĩ với đam mê cháy bỏng nhưng khi nói về Tổ quốc và nhân dân của ông thì ông đúng là một nhà ngoại giao. Tôi kính trọng ông điều đó “.