Phòng triển lãm tranh Sông Hồng (Red River Gallery) tại 71A Nguyễn Du – Hà Nội đang trưng bày tranh của Lê Đại Chúc sáng tác trong hai năm qua. Triển lãm sẽ kết thúc ngày 30/ 09/ 1996.

Chúng ta có dịp được xem khoảng 30 bức tranh được vẽ trong một giai đoạn làm việc nhiều trong sự nghiệp của Chúc. Đó cũng là thời kỳ bận rộn với những cuộc triển lãm tại Học viện nghệ thuật Hoàng gia Luân Đôn (The London Royal College of Art) năm 1995 và triển lãm chung tại Hồng Kông năm 1994.

Theo kế hoạch, Chúc sẽ triển lãm tại New York cuối năm nay và tại Paris năm 1997. Những bức tranh mầu dầu vẽ trên vải trưng bày tại phòng triển lãm Sông Hồng cho chúng ta thấy tranh bố cục người, phong cảnh tưởng tượng và chân dung. Tất cả đều toát ra một tình yêu đầy chất nhục cảm trong mầu sắc. Nhưng không giống như một anh chàng học đòi vụng về tình cờ vẽ được một bức tranh được tán thưởng hoặc một bức tranh hết sức kinh khủng, Chúc tỏ ra có một kỹ xảo của cả một người vẽ đồ án thiết kế và cả một họa sĩ.

Trong bức Tự họa, Chúc vẽ khuôn mặt với những mảng mầu bổ sung đỏ và xanh. Sự tương phản mạnh mẽ của những mầu trắng với những mầu nâu sậm và xanh lá cây trên khuôn mặt đã tạo ra một đại dương kinh hoàng của sự căng thẳng, làm cho bạn muốn nhìn chằm chằm vào nhân vật và cũng chằm chằm như vậy, người trong tranh đang nhìn bạn. Hiệu quả những bức tranh trưng bày trong cuộc triển lãm thật là phong phú. Ông đã điều tiết những trạng thái căng thẳng được làm thăng bằng bằng sự hài hoà. Ông đã làm điều này bằng cách sử dụng một cách tài tình mầu sắc hình khối. Chúc cũng thừa nhận rằng ông chuyên tâm vào việc sử dụng mầu sắc không dựa trên sự áp dụng có ý thức những lý thuyết về mầu và sự sắp xếp khéo léo mà từ những nguồn nội tâm sâu thẳm.

Trong bức tranh Ngôi miếu trắng, vị trí trung tâm của bức tranh được liên kết với sự diễn tả hơi trừu tượng về một ngôi nhà nhỏ ở nông thôn gợi lên cho người xem một tổ ấm gia đình trong một đêm đông lạnh giá  Mầu xanh ấm áp phía bên phải của ngôi nhà chuyển dần sang mầu xanh tối kỳ lạ rồi nhường chỗ cho mầu hoàng thổ ấm.

Mảng mầu vàng này vang vọng lên phần cao nhất của góc trái của bức tranh với sự tung toé của cùng một màu vàng ấm, tạo nên tính toàn vẹn chặt chẽ. Nếu chỉ có mầu xanh ấm và mầu xanh kỳ ảo chúng ta đã có một bức tranh đủ đẹp nhưng không có gì xuất sắc. Cái mang lại cho bức tranh này sự gợi cảm chính là một mảng mầu đen bay lượn giống như một thuỷ quái nổi lên giữa bầu trời đêm. Nó cho ta cảm giác đám mây quái dị đang sà xuống, có thể nhấn chìm sự yên tĩnh đầy lo âu của ngôi nhà nhưng bất chợt tự hài lòng, ngừng lại và cứ treo lơ lửng như vậy.

Với một phong cách hoàn toàn khác, bức tranh Giấc mơ mang đến cho chúng ta những dải băng mầu vàng ấm được nâng lên. Chúng được vẽ một cách hào phóng nhằm trình bày mặt tiền của những căn nhà. Có một ô cửa bí mật mà người xem có thể tưởng tượng ra một phụ nữ bé nhỏ đã chạy vụt qua chỉ để tìm thấy con đường mà chị phải vượt qua. Con đường này nằm nghiêng nghiêng 30 độ. Chúc tỉnh dậy lúc 2 giờ sáng, trong đầu còn đầy ắp những hình ảnh của giấc mơ và ông lập tức ghi lại giấc mơ này trên toan.

Bức họa với lối vào đầy cám dỗ diễn tả trên cùng một điều bí ẩn luôn lặp lại mà họa sĩ De Kooning đã sáng tác trong bức tranh Ô cửa dẫn tới sông được ông vẽ trong những năm đầu của thập niên 60.

Tuy nhiên Chúc đã vẽ bức tranh của ông với phong cách biểu cảm giảm bớt phong cách trừu tượng. Điều này gợi nên rằng bức tranh là chất dẫn xuất nhưng chất dẫn xuất này không thể hơn được sự thật. Trên tất cả, nó có một cảm giác Việt Nam rất rõ ràng, một điều mà không một người phương Tây nào có thể vẽ được.

Trong bức Ba cô gái, nhân vật trung tâm án ngữ khung vải, mặt và chân tay không được diễn tả. Những mảng mầu đỏ được vẽ trên nhân vật tạo nên một sự căng thẳng trêu chọc. Phía bên phải, chúng ta thấy tấm lưng của một phụ nữ khác. Tóc của người này chạy suốt tới phần cuối của bức tranh. Thân mình được vẽ mầu vàng kim đã bị thời gian làm cho phai mầu, một mầu vàng mà Chúc ưa dùng. Phía bên phải có một mảng mầu xanh dương không rõ ràng. Người xem cứ hoang mang tự hỏi không biết người này có đầu không. Ngay cận cảnh, một bình đất nung cho ta sự vững chắc của bức tranh đồng thời nó cũng kéo nhân vật cao lớn ở trung tâm xuống. Đầu người này mờ dần ở phía trên của bức tranh. Ba màu cho chúng ta sự hài hoà. Ba nhân vật tạo ra một sự căng thẳng.

Chúc thường đặt tên tranh rất ngắn gọn. Ví dụ bức Tấm vải vẽ đỏ. Trong bức tranh này tấm vải vẽ được đặt trên giá vẽ và được củng cố hai bên sườn bởi hình hai người phụ nữ, cạnh trung tâm có đầu một người đàn bà, không có thân thể, giữa ba người một không khí buồn bực phiền muộn được diễn tả.

Để tạo ra một sự nhất quán toàn bộ cho bức tranh, Chúc dùng mầu vàng kim cho phần cao nhất của góc phải, mầu này vang vọng chéo xuống phía trái nhưng lại đội ngược lên một dải băng nâu đứng thẳng làm ranh giới cho cạnh của bức tranh. Bằng cách sử dụng có hiệu quả, dải băng mầu nâu tuân theo chiều đứng thẳng ông đã đạt được một sự hài hòa căng thẳng hơn là chỉ tung mầu vàng xuống góc trái của phần dưới của bức tranh.

Tam Bạc chiều được vẽ bằng mầu hoàng thổ sậm. Bức tranh cho thấy những căn nhà bên bờ sông, lù lù hiện ra trên bầu trời. Cận cảnh là một con đò cô đơn được vẽ cùng mầu. Chúc thừa nhận rằng ông vẽ bức tranh này trong tâm trạng buồn. Ông vẽ theo ký họa của những năm 70. Chúc có những kỉ niệm sâu sắc về khu phố này. Tam Bạc nằm trong địa phận Hải Phòng, quê hương của họa sĩ. Ông thường nhớ lại những giờ phút hạnh phúc cùng với người bạn tri kỷ, họa sĩ Nguyễn Hà, ngắm nhìn mầu sắc đổi thay của sông nước đất Cảng. Có một chân dung vẽ Nguyễn Hà trong cuộc triển lãm. Bức chân dung này cũng như toàn bộ chân dung Chúc vẽ cho thấy một tài năng không cần bàn cãi của một họa sĩ chân dung hiện thực – lại một lần nữa Chúc đã thành công trong việc sử dụng mầu sắc một cách hài hoà nhằm gom góp những căng thẳng trên khuôn mặt tạo ra một tác phẩm trọn vẹn. Nói chung tất cả những bức tranh màu dầu của Chúc đều được vẽ bằng dao vẽ, chỉ có rất ít chỗ được vẽ bằng bút lông. Ông ví von rằng vẽ tranh bằng dao giống như một trận bóng đá còn vẽ bằng bút lông giống như một trận bóng chuyền. Sự ví von này cho các bạn thấy sự đam mê mà ông đã mang đến cho nghề nghiệp.

Chúc thường nói: “Tôi vẽ những gì tôi yêu: gia đình, bạn bè và những phong cảnh tưởng tượng”. Ông thường nói rằng cảm xúc và tâm hồn là cội nguồn của cảm hứng. Lại một lần nữa ý tưởng này thật dễ chịu trong một thời đại mà các giá trị về nghệ thuật đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Ông phản đối dữ dội việc bị xếp vào bất kỳ phong cách nào hoặc sự phân loại nào trong hội họa.

Trong một thời đại mà một sự sắp xếp hổ lốn những sắt thép, nệm rách, nilông vào làm một nhằm tạo ra những cái giả danh nghệ thuật thì việc xem nghệ thuật được mài giũa một cách sắc bén của Lê Đại Chúc quả là một sự cổ vũ to lớn.

David Deveraux – Nhà phê bình Nghệ thuật người Anh

(báo VietNam News ngày 14/ 09/ 1996 Lê Minh Xuân dịch