Xem tranh Lê Đại Chúc, tôi nhớ tới một đoạn văn của Konxtantin Pauxtovxki trong tùy bút “Paris chốc lát” khi ông tạt qua kinh đô ánh sáng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng cũng kịp ghi lại ấn tượng về các họa phẩm của Monet, Derain, Guillaumin… như “Một bữa đại tiệc của màu sắc”. Lúc ấy, có lẽ Pauxtovxki chưa xem các bức tranh của Henri Rousseau hay trường phái hậu ấn tượng để thấy bữa tiệc hội họa Paris còn rực rỡ hơn, hoành tráng hơn nữa.

Lê Đại Chúc cũng dành cho người thưởng ngoạn một đại tiệc màu sắc như thế và nếu phải so sánh, bảng màu của Lê Đại Chúc nằm ở khoảng giữa Paul Gauguin và Wassily Kandinsky thời kỳ đầu. Nghĩa là anh đã đi qua những trò chơi ánh sáng của trường phái ấn tượng để tới chiều sâu tâm tưởng của hậu ấn tượng và đứng trước ngưỡng cửa trừu tượng như Kandinsky đã tới.

Tranh Lê Đại Chúc xử lý các yếu tố hình họa cũng theo tinh thần Kandinsky, dùng hình để khai mở những mảng màu quang phổ và tạo ra một cuộc đuổi bắt kỳ ảo giữa hình và màu. Hình gọi màu và màu ẩn trong hình như một chuỗi hồi quang mà người xem tranh có thể nhận ra qua từng giai đoạn sáng tác của anh. Lê Đại Chúc có những tác phẩm gợi liên tưởng tới cột hòa âm của Joan Miro, có những tác phẩm nhắc nhớ tới hình họa của Arshile Gorky, nhưng tất cả đều mang dấu ấn cuộc đuổi bắt của riêng anh trong nỗi vật vã sáng tạo. Trong cuộc đuổi bắt ấy, dường như hình dành ưu tiên cho màu, làm bệ đỡ cho màu thăng hoa, dù là bảng màu nguyên sắc của trường phái Fauvism hay bảng màu trầm mặc của Gauguin, vẫn phảng phất đâu đó trong tranh anh một nỗi buồn không thể gọi tên. Nếu chỉ thấy vẻ đẹp rực rỡ của hội họa Lê Đại Chúc với những hòa sắc ấm nóng và nhiều khi chang chói thì sẽ không đọc ra nỗi buồn mơ hồ ấy, vì qua hàng loạt tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật và cả những tác phẩm bán biểu hình, Lê Đại Chúc đã dìm bảng màu của anh vào một hoài niệm mà chúng ta chỉ có thể giải mã qua cuộc đời nhiều thăng trầm của anh, qua nỗi nhớ, nỗi hoài hương một vùng quê sương khói đã xa khuất. Nói một cách hình ảnh thì Lê Đại Chúc đánh chìm con tàu cảm xúc của mình trong một vùng biển hội họa nhiều ưu tư và phiền muộn.

Để lắng nghe tiếng thở dài ưu tư và phiền muộn của Lê Đại Chúc bên dưới niềm hân hoan của bữa tiệc sắc màu, chúng ta phải chia sẻ nỗi hoài vọng của anh như một thông điệp nghệ thuật. Dường như anh muốn giấu kín tâm trạng mình dưới đáy sâu bản hòa tấu đa sắc, nhưng càng giấu kín, nỗi hoài vọng càng hiển lộ qua cuộc săn đuổi vô tận giữa hình và màu, bởi chính không khí hậu ấn tượng của hội họa Lê Đại Chúc đã trở thành một giãi bày lặng lẽ.

Người xem tranh có thể dừng lại thật lâu trước đôi mắt buồn rười rượi của chân dung Đức Mẹ như trước một họa phẩm Kitô giáo chính thống, hay trầm ngâm trước những tranh phong cảnh bập bùng ngọn lửa u uẩn của Lê Đại Chúc, những phong cảnh đôi khi tạo ra ảo giác rằng mặt đất sáng hơn nền trời và ngọn lửa nội tâm của tác giả đang cháy loang cảnh vật đến mức khung tranh cũng sắp bắt lửa, ảo giác rằng đôi mắt sâu thẳm trong bức chân dung như một ngõ tối dẫn người xem tranh vào một thế giới siêu thực nào đó…

Tuy nhiên, Lê Đại Chúc không dẫm bước chân sáng tạo của mình vào miền siêu thực, cũng như không đi vào con đường trừu tượng, tranh của anh vẫn ở cõi biểu hình, nhưng nhiều hình thể đã giản lược tới mức chỉ tạo cớ cho cuộc chơi màu sắc. Một cách tinh tế, anh dừng ở bờ biểu hình. Dẫu sao, cuộc chơi màu sắc như của Kandinsky cần một cú xô đẩy lý trí để có thể tràn sang thế giới trừu tượng, đó là cú xô đẩy ở giai đoạn sau, khi đường nét chỉ còn là những hình kỷ hà. Hội họa của Lê Đại Chúc cũng như chờ đợi một bước nhảy sang bờ bên kia của cuộc đuổi bắt giữa hình và màu. Bước nhảy cuối cùng của hành trình sáng tạo cũng có thể là bước nhảy vào hư vô.

Câu chuyện của triết gia thời cổ Hy Lạp là Zenon xứ Elea về người lực sĩ đuổi bắt con rùa nhưng không bao giờ đuổi kịp vì không gian bị chia chẻ đến vô hạn chỉ là một nghịch lý toán học về khái niệm giới hạn, nhưng trong nghệ thuật, nghịch lý cũng có thể trở thành hiện thực. Ở thế giới hội họa, dù hình vẫn nằm trong khuôn khổ lý trí còn màu đã là một vùng rực rỡ ánh sáng bản năng, vẫn đòi một cuộc hòa giải giữa lý trí và bản năng của người nghệ sĩ để tạo ra một giao hưởng thực sự giữa hình và màu.

Hội họa Lê Đại Chúc mang lại cho người thưởng ngoạn một bữa tiệc của màu sắc và niềm vui, nhưng đồng thời cũng chia sẻ với chúng ta những ưu tư của kẻ sáng tạo trước viễn tượng của vô cùng.

Giáo sư Vũ Khiêu – Anh hùng lao động thời đổi mới, sau khi dự triển lãm “Vũ trụ và Con người” của Lê Đại Chúc tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi 18 giờ ngày 28 tháng 8 năm 2008 đã tặng họa sĩ câu đối:

Ngọn bút anh linh, trăm bức đan thanh bừng nét ngọc

Nếp nhà hương sắc, một cây đại thụ nở đầy hoa.

Giáo sư nói: “Câu đầu tặng cháu, câu sau tặng Bố cháu, một người chú rất kính mến !”.

Trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, tất cả chỉ là nhịp điệu

Những điều chúng ta gọi là phát minh, sáng chế, theo tôi chỉ là nhớ lại và lấy ra. Trong bộ nhớ của con người không phải chỉ có kiến thức của hiện tại mà còn tàng trữ kiến thức của quá khứ xa xưa, mà quá khứ đó rất có thể cao siêu hơn hiện tại rất nhiều. Ai say mê tìm kiếm thì sẽ nhớ lại được. Vài thiên tài có thể là người hành tinh khác hoặc có khả năng tiếp thu ý tưởng của họ.

Vẽ tranh cũng như bốc thuốc nam. Vị nọ, vị kia, liều lượng bao nhiêu… miễn là phải khỏi bệnh. Vẽ tranh cũng vậy, không cần biết đề tài là gì, chất liệu là gì, phong cách nào… miễn là tạo ta được một sinh linh (bức tranh) có hồn phách, gây được xúc động thẩm mỹ là được. Để làm được điều này khuôn vàng thước ngọc là không cần thiết.

                                                                                                              Trần Hậu Tuấn