Trong vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu nhất là Con người !

Tôi muốn khám phá cả hai thực thể đó bằng nghệ thuật hội họa”.

Ông nói với tôi như thế và ý tưởng đó đã được cụ thể hóa bằng cuộc triển lãm hoành tráng, đồ sộ khai mạc lúc 18g ngày hôm nay 28 tháng 08 năm 2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 9 của họa sỹ Lê Đại Chúc. Với 63 bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, trong đó gần một nửa là cỡ lớn từ 3 đến 6 mét vuông. Kết quả của 2 năm miệt mài lao động. Hơn 700 ngày đêm âm thầm bên giá vẽ, qua mỗi bức tranh, ta thấy sự hành xác qua từng nét bút, mảng màu, bố cục. Lê Đại Chúc đã vắt cạn cảm xúc và sức lực của mình cho thành công từng tác phẩm. Có ai biết đằng sau vinh quang ngày hôm nay là nhiều năm ông tự giam mình trong căn phòng nhỏ ở một ngõ nhỏ phố Cầu Đất – thành phố Hải Phòng với la liệt khung tranh, vải vẽ, màu sắc và một chiếc giường một đủ để nằm khi mệt mỏi. Tôi đã đến đây nhiều lần để chứng kiến sự lao động cô đơn khắc kỷ của ông. Một mình một giang sơn, hiếm khi có khách, chỉ những người thật sự yêu mến quý trọng thì mới đến thăm ông và ông mới tiếp.

Quỹ thời gian eo hẹp còn lại của một tài năng ở độ tuổi 70 đã khiến ông chắt chiu từng giờ từng phút. Vì thể, ông đã chấp nhận xa rời vợ con, bạn bè, người thân để trốn vào đây như một cái am nhỏ để ngộ, để thiền Nghệ thuật.

Không được qua trường để được đào tạo bài bản nhưng ngôi trường vĩ đại đã dạy và đào luyện ông trở thành họa sỹ tài năng hôm nay là trường đời. Ông tiếp cận với hội họa theo cách riêng của mình. Sau những tháng ngày lênh đênh trên biển cả, khi cập bến cảng nào là chàng thủy thủy tàu viễn dương Lê Đại Chúc lại đi tìm mua sách hội họa. Trong sưu tập đồ sộ của ông có hầu như đầy đủ tranh của các danh họa thế giới. Từ Picatso, Gôganh, Xêzan, Van Gohg đến Matise, Pon klii, Kanddinxki, Pônlốc, Sanvado Đali…Tất cả đã hòa quyện, tan biến vào tranh của ông lúc nào không biết.

Thân quen ông, gần gũi ông, quan sát ông làm việc tôi thật sự kính trọng nhân cách, tài năng, bản lĩnh nghệ thuật và sức lao động phi thường của ông, Một Lê Đại Chúc có “Cái tôi” rất lớn, đại ngôn, đôi lúc hơi ngoa ngôn nhưng đáng yêu, sang trọng, lịch lãm và văn minh. Trên cả những điều ấy là Lòng đam mê và sự khổ luyện. Vâng, ông đã thành công vì hai phẩm chất đó.

Biện chứng mà nói, ông sẽ khó đi đến thành công trong nghệ thuật nếu trong dòng máu của ông không có gen di truyền từ thân phụ ông. Thi sĩ, nghệ sĩ Lê Đại Thanh, một yếu nhân của nghệ thuật Hải Phòng, một tài năng gạo cội của thi đàn Việt Nam những năm dầu thế kỷ XX. Dòng máu ấy đã truyền vào chị ông – NSƯT Lê Mai, vào ông, em trai ông -Thạc sỹ nghệ thuật, NSƯT Lê Chức. Phó chủ tịch thường trực của Hội Nghệ sỹ sân khấu, và các cháu ông: Lê Vân, NSND Lê Khanh, Lê Vi, những chân dung sáng giá của nghệ thuật Việt Nam.

Đằng sau họa sỹ Lê Đại Chúc, đằng sau những bức tranh của ông là cuộc đời, là thân phận, là cả một cơ tầng văn hóa, bể dầy của một gia đình có truyền thống nghệ thuật.

Tranh là người, sức vóc ông to lớn, nội lực ông mạnh mẽ, phong thái ông đĩnh đạc hào hoa thì màu, hình trong tranh ông cũng thế. Ví như: “Vũ điệu của nữ thân Shiva, Đức phật và cõi trần gian, Hoàng hôn của các thiên thần, Ba cô gái,…” Nhưng theo tôi, thành công nhất trong cuộc triển lãm này là mảng chân dung. Tôi thật ấn tượng và đã đứng rất lâu ngắm những bức họa sỹ về chân dung Bố – thi sỹ Lê Đại Thanh, chân dung Mẹ – Người đàn bà được mệnh danh là hoa khôi vùng duyên hải. Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí., Bùi Xuân Phái, Văn Cao là những bức đẹp nhất. ông đã truyền vào trong tranh thần thái của nhân vật, chân dung Nguyễn Gia Trí quá đẹp bởi nhịp điệu và màu sắc uyển chuyển vô cùng tinh tế. Một bảng màu hội họa tài hoa, sang trọng và lịch lãm.

Vẽ chân dung là thế mạnh của họa sỹ Lê Đại Chúc. Ông đã được nhiều nhân vật cao cấp của một số cường quốc mời vẽ chân dung. Năm 1995, ông đã được mời sang Luân đôn triển lãm tranh tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Anh. Cựu thủ tướng Anh Sir Edward Heath đã mời ông tới Phủ thủ tướng để tiếp chuyện, Đài phát thanh Luân Đôn phỏng vẫn. Họa sỹ Lê Đại Chúc cũng đã qua Pháp và được ngài Maison Blanche, nguyên đại sứ Pháp tại Việt Nam trân trọng đón tiếp.

Trong triết học Phương Đông, con người là một trong ba ngôi (tam tài) của vũ trụ bao la: Thiên – Địa – Nhân. Trong đó con người là yếu tố quyết định !

Con người là chỉnh thể của vũ trụ, là kiệt tác của tạo hóa, con người sáng tạo ra tất cả. Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi không bằng Nhân hòa.

Với ý tưởng khám phá Vũ trụ và Con người, Họa sỹ Lê Đại Chúc đã cất tiếng nói nhân văn thông qua ngôn ngữ biểu đạt của nghệ thuật hội họa trong triển lãm lần này. Tôi muốn thay lời kết bằng nhận xét của một họa sỹ – chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật “Lâu lắm mới có một triển lãm chất lượng như phòng tranh này !”.

Xin chúc ông thành công mãi.

2008