- Đầu tháng 9/2014, từ Hải Phòng Lê Đại Chúc gọi điện lên bảo tôi tranh thủ về Hải Phòng chơi và xem tranh mới của anh. Anh nói có nhiều tranh đẹp lắm, chắc chắn tôi sẽ rất thích. Dễ đã gần năm trời tôi chưa xuống Hải Phòng với Lê Đại Chúc, kể từ dịp xuống xem Cuộc thi chèo toàn quốc cuối năm 2013. Tôi vội chọn ngày cuối tuần xuống sớm với anh.
Lê Đại Chúc về hẳn trong ngôi nhà cũ của gia đình ở phố Cầu Đất – Hải Phòng đã được chừng mười lăm năm. Gia đình anh vốn là danh gia vọng tộc thành phố Cảng, Cha anh, nhà thơ lớn Lê Đại Thanh, từng dạy trường Bonnal danh tiếng, từng lãnh đạo Ủy ban Cách mạng Thành phố, tên ông nay đã được chọn đặt cho một đường phố ở quận Kiến An. Mẹ anh, bà Đinh Ngọc Anh, một kỳ nữ của thành phố, con gái nhà tư sản Vạn An Trường, từng đóng vai Võ Thị Sáu trong một vở diễn của đoàn kịch Gió Biển do cha anh làm trưởng đoàn kiêm tác giả, đạo diễn, chị Lê Mai, anh Lê Đại Châu cùng làm diễn viên. Gia tộc Lê Đại Thanh trước kia có cả tòa ngang dãy dọc ở phố Cầu Đất, sau năm 1954, phần hiến cho nhà nước, phần bị lấn chiếm, nay chỉ còn đâu mấy trăm m2 ở cuối một con hẻm cụt.
Lá rụng về cội ! Dù từng là chuyên viên hàng hải cao cấp, nói tiếng Anh như tiếng Việt, chu du khắp năm châu bốn biến, từng nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, tiêu không hết tiền, lại khá nổi danh về hội họa ở TPHCM, giữa cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Lê Đại Chúc bất ngờ về ẩn dật trong ngôi nhà gia tộc, cũng là lẽ thường. Nếu coi đây là từ đường của dòng họ Lê Đại Thanh, thì dường như số phận đã chọn Lê Đại Chúc làm người thủ từ. Hào hoa, ngang tàng vào loại siêu hạng, nhưng nói về sự chu đáo, ý thức đối với gia tiên và niềm tin vào những điều linh thiêng, thì cũng khó ai hơn Lê Đại Chúc. Anh về đây, dẫu một thân một mình, nhưng ngôi nhà hoang vắng đã nhộn nhịp, chen chúc những tranh những màu, bạn hữu lại lui tới, căn bếp nguội lạnh lại đỏ lửa, bàn thờ lúc nào cũng sáng đèn, thơm hương trầm và đầy bánh trái.
Tuy ở cuối hẻm cụt nhưng ngôi nhà Lê Đại Chúc đầy ắp thiên nhiên với một góc sân, một khoảng trời, một cây khế thấp nhỏ như khế cảnh nhưng quả sai, ngọt lạ lùng, có cả một cây dâu da cao vút luôn có một chú sóc thoắt ẩn thoắt hiện. Lê Đại Chúc kể rằng trước kia sân nhà anh rất rộng, có hẳn một khu vườn, mẹ anh rất khéo tay, lại chịu khó, trồng được đào, nho, táo, ổi Thủy Nguyên, các loại rau ở vườn nhà, có cả đậu ván, không những tự cung cấp rau quả cho gia đình mà còn có người đến mua. Cây dâu da cũng chính do cụ xin về trồng, tưởng khó sống nổi, chẳng ngờ nó cứ mơn mởn lớn lên ra hoa rồi chi chít quả chín, mỗi mùa những vài tạ quả ăn không hết phải cho phải bán. Đúng là trời thương người khó. Bởi đó chính là những tháng năm khó khăn nhất của gia đình Lê Đại Chúc, khi cha anh bị khép vào nhóm Nhân văn giai phẩm, bị cho thôi việc, chị Lê Mai buộc phải rời Đoàn Kịch Trung ương, Lê Đại Chúc và Lê Đại Chức học hết phổ thông không được vào đại học, anh xuống Cảng làm bốc vác, Lê Chức thì đi phụ nề khắp nơi. Tuy cuộc sống rất chật vật, nhưng nhớ lại thời ấy thì thấy vui vì gia đình rất hòa thuận và cha mẹ anh lại nhiều bạn bè quý giá. Bác Nguyên Hồng mỗi khi từ Nhã Nam về Hải Phòng đều ghé chơi với cha anh, có lần ở liền 3 tháng. Các bác Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái ở Hà Nội cũng thường xuống chơi, hai bác Sáng, Phái đã phát hiện ra năng khiếu hội họa ở Lê Đại Chúc và đã đích thân dạy anh những nét vẽ đầu tiên…
2. Với Lê Đại Chúc, mười lăm năm về lại Hải Phòng là khoảng thời gian bùng nổ về nghệ thuật dù trước đó anh đã nổi tiếng là một họa sĩ chân dung kỳ tài. Có nhà phê bình mỹ thuật thế giới cho rằng Lê Đại Chúc đã làm sống lại lối vẽ chân dung tả thực sống động dưới ánh sáng trời theo mẫu thật với đường nét thô tháp, các gam màu tự nhiên trong trẻo tươi sáng của các danh họa ấn tượng cuối thế kỷ 19. Chân dung các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao, chị Lê Kim Tuyến, cháu Lê Vân, Lincolh, Einstein… nhất là bức chân dung anh vẽ cha mình, nhà thơ Lê Đại Thanh, bức tranh “Thi sĩ áo đỏ”, đã mang tới nhận xét đó. Nhưng bức chân dung “Thi sĩ áo đỏ” lại cho thấy Lê Đại Chúc không hẳn vẽ chân dung theo lối tả thực bởi đây là bức chân dung rất huyền ảo, mang nhiều yếu tố trực giác, vô thức của hội họa hiện đại. Có lẽ khi vẽ cha mình, Lê Đại Chúc buộc phải thay đổi bởi lối vẽ tả thực dù là theo kiểu ấn tượng không thể hiện nổi chân dung một nhà thơ đã tuyên ngôn về thơ như sau:
Thơ biểu đạt cái tôi vũ trụ
Bằng ngôn ngữ xanh của những chùm tinh tú
Thơ biểu đạt cái tôi thiên nhiên
Bằng ngôn ngữ tím hoa bằng lăng, tím hoa sim
Thơ biểu đạt cái tôi thi sỹ
Bằng ngôn ngữ đỏ hoa thạch lựu, phượng vĩ.
Thơ là nhạc của lời
Những con chữ đen tự chắp cánh bay
Thành những vì sao đêm xanh biếc đổi ngôi…
Bức chân dung cha và thơ của cha chắc chắn đã gợi cho Lê Đại Chúc một lối vẽ mới để biểu đạt bằng được “cái tôi vũ trụ”, “cái tôi thiên nhiên”, “cái tôi thi sĩ trên toan, màu như nhà thơ Lê Đại Thanh đã làm trên giấy, mực. Triển lãm cá nhân lần thứ 9 của Lê Đại Chúc tại Bảo tàng Mỹ thuật VN ở Hà Nội có tên “Con người và Vũ trụ” với phần lớn những bức tranh anh vẽ trong thời gian về lại Hải Phòng đã làm giới nghệ thuật đất nước kinh ngạc.
Bất ngờ, choáng ngợp, nghẹt thở, gai người… là cảm giác chung của tất cả những ai đã đến với triển lãm này, “Màu đẹp và mạnh mẽ, chất đam mê như bão tố” là nhận xét của Bùi Mai Hiên. “Một sức mạnh khủng khiếp, không thể tưởng tượng” là khen tặng của Lê Trí Dũng. “Rực rỡ, cởi mở, phóng túng, hừng hực lửa, tự do tung hoành trong một vùng màu phát sáng đến mức ngang
tàng” là khâm phục của Trần Chắt. Công Quốc Hà, Phạm Lê Hùng thì thấy một Lê Đại Chúc: “Đa cảm, bốc lửa, luôn đi tìm cái mới trong nội tâm chính mình”. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân ngắn gọn: “Đẹp. Sửng sốt. Bức Jesus Christ thì dường như Tây cũng không vẽ được thế!” Đó là giới hội họa. Còn với đạo diễn Doãn Hoàng Giang: “Màu sắc và đường nét của Lê Đại Chúc như một thách đố lớn”, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Sức sáng tạo bùng nổ của một nghệ sĩ đa phong cách, bao nhiêu trường phái màu sắc đều hòa vào cây cọ của anh”, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh: “Tranh ấy, màu ấy, ý tưởng ấy đưa tôi vào trong cõi mộng, trong sự tưởng tượng, trong mê muội và trong cả khát vọng sống”. Nhà văn Chu Lai gọi Lê Đại Chúc là “Người chơi màu huyền diệu” và say sưa chiêm ngưỡng: “Dường như tất cả những khắc khoải, vui buồn trần thế đều được hội tụ đặm đặc ở đây. Bằng tài hoa táo bạo đượm chất tâm linh huyền hoặc, tranh của anh đã đưa cảm nhận của người xem bay lên khỏi cõi tục huyền để hòa nhập với những lấp lánh của trời đất, thiên nhiên, vũ trụ bí hiểm, rộng dài”…
Tôi phải trích dẫn dài dòng một chút để thấy triển làm “Con người và Vũ trụ” của Lê Đại Chúc được đánh giá cao như thế nào. Đây được coi là một trong những triển lãm cá nhân thành công nhất của một họa sĩ nước ta trong vài thập niên gần đây.
Cuộc triển lãm này đánh dấu cuộc bứt phá của Lê Đại Chúc từ họa sĩ vẽ chân dung những nhân vật cụ thể thành người vẽ chân dung của sự sống, của thiên nhiên, của vũ trụ, của cả những gì huyền bí: Thượng đế, đức Chúa, đức Phật… Cuộc bứt phá táo bạo ấy của Lê Đại Chúc đã được ấp ủ và âm thầm thực hiện hàng ngày suốt chục năm trời tại căn phòng 18m2, trên cái sân khúc khuỷu 25m2, nơi lộ ra một khoảng trời mênh mông, với cây khế ngọt trĩu quả ngang môi người, với tiếng gió reo thôi thúc trên ngọn dâu da, trong sự nâng đỡ vô hình của anh linh gia tộc…
3. Đã 70 tuổi mà Lê Đại Chúc cứ cường tráng như thanh niên, đến giờ anh vẫn giữ nếp hàng sáng tập thể dục thẩm mỹ vài giờ như hồi ở TPHCM tập cùng Lý Đức còn buổi chiều thì đi bộ năm bẩy cây số qua các đường phố Hải Phòng. Anh cẩn thận, cầu toàn từ cách mặc, ăn uống cho đến đọc sách, vẽ. Anh nói anh không chịu nổi sự qua loa, cẩu thả dù trong cuộc sống hay trong nghệ thuật nên tuy rất đẹp trai anh luôn ăn mặc chải chuốt như một tài tử điện ảnh, ăn thì chỉ tìm những quán ngon, rất khó tính trong chọn bạn chơi và đặc biệt kỹ càng khi vẽ. Lê Đại Chúc vẽ nhiều bởi chẳng có bức tranh nào anh vẽ một hai lần mà thường là đến năm mười lần, có khi cả vài chục lần. Năm ngoái, khi xuống chơi tôi đã giúp anh chuyển cả trăm bức tranh đi gửi bạn bè Hải Phòng, đưa lên Hà Nội vài chục bức cho con gái Hoàng Anh, anh cũng tặng tôi vài bức và gửi giữ hơn chục bức. Thế mà lần này xuống thấy nhà lại đã đầy tranh. Lê Đại Chúc tiếp tục sở trường chân dung với các bức mới vẽ Nguyễn Sáng, Trần Dần, Lincoln, Bill Gates, Obama… mỗi nhân vật đều có bốn năm bức và đều có thể khiến người xem thốt lên: Đẹp quá ! Anh vẫn bền bỉ với các seri tranh Những cô gái, Sân khấu cuộc đời, seri tranh Thượng đế, đức Chúa, đức Phật, hầu hết là tranh khổ cực lớn. Anh nhờ tôi cùng khiêng một bức tranh khổ 2m x 3m ra đặt giữa sân để xem trong ánh sáng trời cho đã. Đó là bức tranh anh vẽ Thượng đế trên trán có ghi “In God We Trust !” (Chúng ta tin vào Thượng đế !). Ngắm bức tranh, Lê Đại Chúc gật gù hỏi tôi: “Đức tin rất cần cho con người, cần cho người thành công, càng cần cho người thất bại. Ta phải tin vào Thượng đế bởi Thượng đế chính là ta. Mình nói thế có đúng không?”. Rồi anh bê ra sân cho tôi xem cả chục bức tranh sen đang vẽ. Chưa biết đẹp xấu ra sao nhưng chắc chắn Lê Đại Chúc vẽ sen không giống ai bởi sen của anh không chỉ hồng, trắng mà còn vàng, xanh, tím và đen tuyền. Anh kể anh vừa về TPHCM để giới thiệu tranh cho một nữ Thượng nghị sĩ Anh gốc Ấn và có hai tháng vẽ rất thú vị ở Nha Trang. Chuyện là khi ra Nha Trang thăm bạn bè, tình cờ anh gặp hai anh em ruột người Nam Định là doanh nhân thành đạt ở đây. Biết anh là Lê Đại Chúc, họ liền mời anh vẽ chân dung hai con gái mình. Họ nói muốn tặng các con món quà quý là các bức tranh ghi lại tuổi trẻ do một họa sĩ danh tiếng vẽ. Lê Đại Chúc đã ở lại với họ gần hai tháng và kết quả là 6 bức chân dung thiếu nữ. Khi Lê Đại Chúc cho tôi xem các bức ảnh chụp lại 6 chân dung anh vẽ theo đặt hàng tại Nha Trang, tôi rất ngỡ ngàng bởi chúng không chỉ đẹp mà là tuyệt đẹp. Tôi chợt nhớ Lê Đại Chúc từng nói, với anh, vẽ một bông hoa, một thiếu nữ bình thường cũng quan trọng, thiêng liêng như vẽ Thượng đế, đức Chúa, đức Phật.
Về điều gì cũng quan trọng, thiêng liêng, tôi nghe Lê Đại Chúc nói tâm niệm này tại ngôi nhà dòng họ Lê Đại Thanh trong con hẻm cụt Cầu Đất, TP Hải Phòng, cái thành phố bụi bặm mà thơ mộng, sang trọng mà cần lao…