Cha tôi là thi sĩ Lê Đại Thanh, bạn thân của nhiều họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… Khoảng năm 1968, cha tôi có viết một bức thư giới thiệu tôi lên gặp họa sĩ Nguyễn Sáng ở Hà Nội. Đầu bức thư, cha tôi viết: “Gửi họa sĩ Nguyễn Sáng, Picasso của Việt Nam”. Điều đó chứng tỏ ngay từ thời gian đó, những người am hiểu hội họa đã đánh giá rất cao họa sĩ Nguyễn Sáng.
CÂU CHUYỆN 1
Họa sĩ Nguyễn Hà (Hải Phòng) có lần hỏi Nguyễn Sáng: “Anh đã vẽ chân dung cô X chưa ?”
“Vẽ nó làm gì ? Bẩn bút ra !” Nguyễn Sáng trả lời.
Nguyễn Sáng rất cao siêu trong hội họa nhưng rất thực dụng trong đời thường. Tôi mời anh xuống Hải Phòng chơi. Anh ăn ở nhà tôi vì thức ăn ngon, nhưng lại ngủ ở nhà anh Thái Văn Hiếu vì nhà anh Hiếu đẹp hơn, mát hơn. Uống rượu ở quán Thủy Hử, anh có một miếng thủy tinh tròn để đậy lên chén rượu cho khỏi ruồi. Hút thuốc lá ngon (555 hoặc Marlboro) thì anh chĩa điếu thuốc lên trời để thuốc cháy chậm hơn. Cắt củ cải trắng, anh không cắt như mọi người mà lại gọt vòng quanh như gọt vỏ cam vỏ bưởi. Tôi hỏi anh sao lại gọt như vậy, anh trả lời để lúc gắp cho khỏi trượt. Tỏi anh ăn cũng có lúc băm nhỏ, có lúc đập dập, cũng có lúc lại để cả nhánh. Có lần tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm anh, anh giữ tôi tại nhà. Có món thịt lợn nạc băm hấp cách thủy, đáng lẽ để thịt vào bát rồi chưng cách thủy, nhưng vì đã quá 12 giờ trưa, cả hai anh em đều đói nên anh lấy mỡ lợn bôi quanh thành nồi cho khỏi dính, rồi để thịt vào đun trực tiếp không có nước. Sau khoảng 15 phút, anh bảo tôi: “Thịt chín rồi đấy, lấy ra ăn thôi”. Tôi bảo: “Chưa chín đâu anh ạ. Anh Sáng nói: “Anh chắc chín rồi”. Tôi vâng lời lấy ra, dùng đũa xắn đôi, thịt vẫn sống. Anh Sáng hỏi tôi:” Sao em biết thịt vẫn sống? Tôi đáp: “Với cảm giác về thời gian, em biết thịt vẫn sống. Em ít khi nhầm về thời gian. Có lúc em nói chính xác từng giây”. Anh Sáng nói: “Riêng về nấu ăn, anh gọi em là thầy !”.
CÂU CHUYỆN 2
Bắt đầu thời kỳ Đổi mới (1986), có vài Việt kiều muốn mời Nguyễn Sáng sang Pháp chơi. Anh không chịu đi, tôi hỏi vì sao, anh trả lời: “Đầu anh bị hói, lúc nào cũng đội mũ sùm sụp, chỉ bỏ ra lúc ngủ. Ở trong nước thì được, ra nước ngoài như thế là bất lịch sự, già rồi hay đi tiểu đêm cũng làm phiền người ta”. Buồn cười nhất là cô em dâu (vợ anh Nguyễn Hoa, em ruột anh Sáng) còn khuyên anh đội tóc giả.
Một lần từ Sài Gòn ra chơi, tôi tới thăm anh Sáng. Anh Sáng đi vắng nên tôi vào thăm anh Nguyễn Tư Nghiêm, hai anh cùng ở một tầng, phòng chỉ cách nhau dăm mét. Anh Nghiêm mời tôi ăn trưa với anh, tôi nhận lời. Lát sau anh Sáng về, tôi sang với anh Sáng, anh Sáng cũng mời tôi ăn trưa, tôi nói tôi đã nhận lời với anh Nghiêm, thế là anh Sáng sang nói với anh Nghiêm: “Thế thì tao với mày cùng mời em Chúc ăn cơm”. Nói xong anh Sáng đi chợ nấu cơm, ăn tại phòng anh Nghiêm. Ăn xong anh Sáng về phòng mình nghỉ trưa, tôi tranh thủ xin anh Nghiêm xem tác phẩm mới. Hai anh em đang ngồi xổm xem bức “Điệu múa cổ” thì anh Sáng vào, nói: “Bữa cơm này mất 2 đồng tư, mày mới đưa tao 1 đồng, vậy là còn thiếu tao 2 hào” rồi anh Sáng lấy chân chỉ vào bức tranh nói: “Bức này màu lợt lạt quá, phải thêm đỏ, thêm vàng, thêm đen vào. Làm sơn mài là phải học truyền thống”. Anh Nghiêm không nói gì, nhưng hôm sau đã sửa theo gợi ý của anh Sáng. Lần khác, trong khi chờ anh Sáng về thì tôi nghe thấy anh Sáng và anh Dương Bích Liên đang to tiếng ở cầu thang:
– “Mày là chuyên giở giọng triết học !” anh Sáng nói.
– “Nhưng chính mày gợi ra trước !” anh Liên trả lời.
CÂU CHUYỆN 3
Về bức tranh “Tình cảm họa sĩ”, anh Liên nói: “Sao mày không đặt tên bức tranh là Em bé da đen cho dễ hiểu mà mày lại đặt là Tình cảm họa sĩ ?” Về sau anh Sáng có giải thích cho tôi lý do. Bức tranh miêu tả một gia đình nông dân trong đó bà vợ đang bồng một đứa nhỏ độ một tuổi, bên cạnh là ông chồng quay lưng lại người xem, nhưng gương mặt nhìn nghiêng “của ông” lại chính là Nguyễn Sáng. Phía trước một cô gái khoảng 14 tuổi đang chải tóc cho một cô bé da đen khoảng 6 tuổi. Anh Sáng bảo đây là một câu chuyện có thật. Bà vợ bị lính Pháp đen cưỡng bức sinh ra cô bé da đen, cô bé da đen được yêu thương như những đứa con Việt vậy. Qua bức tranh, anh muốn đề cao lòng nhân đạo, lòng bao dung của người dân Việt Nam. “Tình cảm họa sĩ” chính là tình cảm của Nguyễn Sáng dành cho những hoàn cảnh éo le, trớ trêu… của cuộc đời, của con người, nạn nhân của chiến tranh tàn bạo. Bức tranh chỉ được vẽ bằng hai màu nâu đen trên màu trắng ngà, với những hình người được tạo khối vững vàng như điêu khắc. Những đôi mắt và bàn tay được diễn tả đầy tình cảm. Bức tranh giản dị nhưng biểu hiện được một tài năng lớn trong hội họa, sự cao cả trong tâm hồn họa sĩ.
Có lần tôi hỏi Nguyễn Sáng: “Anh Liên có những bức tranh phải gọi là tuyệt phẩm, như “Thiếu nữ với hoa phù dung”, “Đi học đêm”, “Sông Hồng”,.. nhưng cũng có những bức rất tầm thường, vì sao như vậy ?” Anh Sáng đã trả lời: “Những lúc ấy là những lúc nó xa bọn anh (Sáng, Nghiêm, Phái), chơi với lũ mauvais gout. Nhưng về lý luận hội họa và phán xét nhau thì nó sắc nhất !”
Nguyễn Sáng rất mê tranh Đông Hồ, anh có một bộ sưu tập tranh Đông Hồ khá đầy đủ. Một lần sau khi ăn cơm trưa với anh, anh bảo tôi: “Em đi ngủ đi. Nằm trên võng mà ngủ. Anh có chiếc chăn lông chim đấy, lấy mà đắp”. Rồi anh mang bức “Tình cảm họa sĩ” ra vẽ tiếp. Bức tranh này bắt đầu được vẽ từ rất nhiều năm trước, nhưng mãi chưa xong. Tôi nằm trên võng nhưng không ngủ mà muốn xem bậc thầy sửa tranh ra sao. Thấy tôi không ngủ, anh nói: “Em ngủ đi chứ! Anh vẽ mà em cứ nhìn chòng chọc như vậy không khác gì người ta có bầu mà em cứ nhìn vào bụng người ta”. Tôi giả vờ nằm im, nhắm mắt lại, nhưng vẫn “he hé” xem anh làm gì. Một lát thấy anh kéo ngăn kéo nhỏ của một cái tủ nhỏ cao khoảng 1m2 lấy ra một tập tranh Đông Hồ, ngắm nghía một lúc rồi sửa tranh. Tôi nghĩ: “À thì ra học tập truyền thống là như vậy đấy”, và cũng nhận ra học tập thì phải kín đáo.
Có một họa sĩ Tây nước bạn tới thăm Nguyễn Sáng, ông này đã xem tranh của Nguyễn Sáng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nên nói với Nguyễn Sáng rằng Nguyễn Sáng ảnh hưởng Matisse về mảng miếng. Thế là Nguyễn Sáng nổi cáu, lại rút bảo bối tranh Đông Hồ ra, chỉ vào bức tranh Lợn và nói: “Hàng trăm năm trước, người Việt Nam đã vẽ con lợn nhìn nghiêng nhưng mắt lại nhìn thẳng, mô-đéc hơn Tây rất nhiều, việc gì phải học Matisse”. Có lần tôi hỏi Nguyễn Sáng: “Picasso và Matisse anh thích ai hơn?” “Picasso lớn hơn vì tranh Picasso có tư tưởng !”, Nguyễn Sáng trả lời.
CÂU CHUYỆN 4
Anh Nguyễn Sáng vẽ ít vì thiếu vật liệu. Để tiết kiệm tiền, thậm chí anh còn không mua cả giấy để vẽ phác thảo, mà vẽ lên sàn nhà. Có lần tới thăm anh, tôi thấy trên sàn nhà có một phác thảo mèo mẹ, mèo con. Chính anh Nghiêm cũng phải bảo với tôi là anh Sáng rất lãng phí, vẽ phác thảo trên sàn nhà rồi lau đi, nhiều phác thảo rất đẹp.
Trong nhà Nguyễn Sáng lúc đó chỉ có khoảng 5 bức tranh, gồm “Gióng” (chỉ vẽ ngựa, không vẽ Gióng), “Họa sĩ và người mẫu”, “Tình cảm họa sĩ” và hai bức chân dung tự họa, một bằng sơn dầu, một bằng phấn màu. Một lần tôi nói với anh Sáng: “Trong 5 bức tranh này, em thích nhất bức Họa sĩ và người mẫu”. Anh Sáng nhìn tôi, nói: “Em thích bức đó thì giỏi thật. Em xứng đáng để anh tặng bức đó !”. Tôi cũng chưa buồn lấy ngay “quà tặng” quý giá ấy của anh Sáng, vì lúc ấy tôi đang ở Sài Gòn, mấy tháng sau tôi mới nhận, mang về gửi ở nhà chị tôi, chị Lê Mai ở 20 Phan Đình Phùng. Hôm tôi nhận tranh, họa sĩ Mai Văn Hiến và họa sĩ Hoàng Đình Tài cũng đang ở nhà anh Sáng. Anh Hiến nói: “Chúc ạ, em tinh thật đấy, đây là một tuyệt phẩm. Nhà phê bình nào viết một bài về bức tranh này cũng có thể lấy được một bằng phó tiến sĩ về Mỹ thuật”. Một thời gian sau, khi Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cá nhân cho anh Sáng, anh Sáng lại phải nhờ người tới mượn lại bức tranh để trưng bày. Có lần, về bức “Họa sĩ và người mẫu”, anh Sáng nói với tôi: “Em xem, cả anh và người mẫu đều nghèo và rất khiêm tốn. Người mẫu khỏa thân nhưng không khoe khoang như đầm Tây, trái lại cô ấy co người lại, vừa như e thẹn vừa như để đỡ rét”.
Cũng có lần tôi hỏi anh Sáng: “Anh thấy bác Phái vẽ thế nào ?”
”Nó vẽ phong cảnh được !” anh Sáng trả lời.
CÂU CHUYỆN 5
Bác Lê Quốc Lộc đưa tôi tới thăm họa sĩ Tạ Tỵ. Tạ Tỵ vốn được xem là người vẽ tranh lập thể rồi trừu tượng đầu tiên ở Việt Nam. Biết Nguyễn Sáng là bạn Tạ Tỵ nên tôi đưa anh Sáng tới thăm bác. Sắp tới lúc ra về, bác Tạ Tỵ nói với Nguyễn Sáng: “Mày đến đột xuất, tạo chưa chuẩn bị được gì để mời mày cơm tối, thôi để lần sau !”. Anh Sáng đáp: “Biết bao giờ mới là lần sau, thôi có gì cũng được !”. (Tôi biết là anh Sáng đang quá cô đơn, ngại đi ăn một mình). Tôi có việc phải về trước, hôm sau tôi hỏi anh Sáng:“Anh thấy tranh bác Tỵ thế nào?”
“Anh đã kịp nhìn bức nào đâu”, anh Sáng trả lời.
Tôi cũng đưa anh Sáng tới gặp một họa sĩ cùng học với anh và Bùi Xuân Phái ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi cũng hỏi anh: “Anh thấy tranh ông ấy thế nào?”
“Tranh ông ấy thấy mà ghê !”, anh Sáng nói.
CÂU CHUYỆN 6
Tôi rất mê bức sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng. Một lần tôi hỏi anh: “Anh có dự trận Điện Biên Phủ không?” Anh Sáng kể: “Anh và một số nghệ sĩ đi Điện Biên Phủ lấy tài liệu để sáng tác. Tổ của anh do Nguyễn Đình Thi làm tổ trưởng. Một hôm họp tổ, Nguyễn Đình Thi nói: “Sáng, tôi thấy anh ký họa rất ít ?!” Anh đã trả lời: “Anh hiểu thế nào là thực tế? Nếu thực tế là thấy gì vẽ nấy thì bộ đội họ đi xia cũng vẽ à?”
Về bức “Giặc đốt làng tôi”, anh Sáng than phiền: “Ông Cẩn (Trần Văn Cẩn), ông ấy cứ phê bình rằng mũi súng của anh bộ đội lại chĩa vào ngực cô gái thiểu số”
CÂU CHUYỆN 7
Về bức tranh sơn mài khổ lớn “Trong vườn chuối”, khoảng năm 1981, 1982 gì đó, tôi đang làm cán bộ Phòng quản lý tàu của công ty đại lý Tàu biển Việt Nam (Vietnam Ocean Shipping Agency – gọi tắt là VOSA). Tổng công ty ngày ấy vẫn ở thành phố Hải Phòng. Chúng tôi quản lý tất cả những tàu ngoại quốc đến Việt Nam và cả những tàu Việt Nam chạy tuyến nước ngoài. Vì vậy chúng tôi có một phòng khách sang trọng để tiếp các thuyền trưởng, sĩ quan và các đại diện hàng hải của nước ngoài. Tổng giám đốc của chúng tôi lúc đó là một người có học thức, lại rất yêu hội họa. Ông biết tôi có quen các danh họa hàng đầu của Việt Nam nên ông bảo: “Chúc, mày đặt cho công ty vài bức tranh để trang hoàng phòng khách”. Thế là tôi đặt anh Nguyễn Sáng và anh Nguyễn Tư Nghiêm hai bức sơn mài khổ 120 x 180 cm. Tôi mời hai anh ra ký hợp đồng tại Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giá một bức tranh là 4 lạng vàng quy ra tiền. Thời đó 4 lạng vàng là rất lớn. Anh Dương Viên, lúc đó là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật, nói: “Cảm ơn Lê Đại Chúc, em đã mở ra một cái giá rất tốt cho các họa sĩ !”.
Biết các anh là người thích tự do, trong mục “chủ đề tác phẩm” tôi yêu cầu chỉ ghi “phong cảnh và con người Việt Nam” Anh Nghiêm về các cô gái áo dài trong khung cảnh chùa Láng, đặt tên là “Nữ và chùa Láng”, còn anh Sáng vẽ “Trong vườn chuối”.
Vì lúc đó anh Sáng đang ở khu Cầu Bông, Sài Gòn, còn tôi cũng đang ở phố Nguyễn Huệ, Sài Gòn nên tôi được quan sát tất cả quá trình anh Sáng thực hiện tác phẩm tuyệt vời này. Để lấy ký họa làm phác thảo tranh, anh Sáng nhờ cháu gái (con anh Nguyễn Hoa) và cháu rể làm người mẫu. Trong tranh sẽ có hai cô gái, một cô ngồi quỳ gối, một cô nửa nằm nửa ngồi đọc sách, và một nam thanh niên dắt chiếc xe đạp mini quay lưng lại phía người xem. Riêng khóm chuối thì do một đệ tử của anh Sáng đi ký họa ở đâu đó.
Một buổi sáng tôi ghé thăm anh, bức tranh đã coi như xong, chỉ chưa ký tên. Anh Sáng bảo tôi: “Thằng Quách Phong nó bảo bàn chân cô gái như nhảy ra khỏi tranh. Thằng Thanh Châu bảo cô gái chải tóc ảnh hưởng Gauguin. Còn ý em thì sao?”. Tôi nói: “Ý anh Quách Phong đúng đấy, em cũng thấy nó tách bạch quá, cứ như anh cắt miếng thiếc vàng trong bao ba số 5 rồi dán vào vậy. Còn việc cô gái chải tóc ảnh hưởng Gauguin thì em cho là không đúng”. Chắc chắn khi vẽ anh Sáng chẳng nhớ gì đến Gauguin cả, có lẽ là các tâm hồn lớn gặp nhau thôi. Rồi tôi nói tiếp: “Vì anh đã hỏi nên cho phép em nói theo cảm tính của em. Em thấy bố cục tranh chưa ổn, anh để khoảng cách các nhân vật đứng đều nhau quá, trông cứ như chấn song cửa sổ. Theo em anh nên thêm vào một em bé, thậm chí một con chó cho đỡ đơn điệu”. Nghe vậy, anh Sáng sửng sốt nhìn tôi, im lặng không nói gì. Sáng hôm sau tôi lại ghé xem thì hôm qua anh đã không thêm gì vào, nhưng đã xóa đi hình một cô gái, cô này là một cô thanh niên xung phong đội mũ tai bèo. Anh dùng màu trắng để xóa và xóa một cách thoải mái như ta lau bàn vậy. Tôi quá ngạc nhiên, hỏi anh: “Ủa, sao vậy ?” Tôi quá ngạc nhiên, hỏi anh: “Ủa, sao anh xóa lạ vậy?” Anh nói: “Chỉ bậc thầy mới xóa kiểu đó. Em có đôi mắt cú vọ. Từ nay em nói thì anh tin !”.
Một thời gian sau đó, thấy tôi vẽ được một số tranh anh coi là “được”, đi đâu với anh tới nhà người quen của anh, anh cũng đều giới thiệu: “Đây là họa sĩ Lê Đại Chúc, bạn tôi !”. Mỗi khi tôi đến thăm anh (lúc đó anh ở với gia đình em trai Nguyễn Hoa), vợ anh Hoa lại gọi với vào trong:“Anh Sáng ơi, bạn anh tới thăm anh này”. Thực lòng chưa bao giờ tôi dám nghĩ tôi là bạn anh, lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ tôi là đứa em, đứa học trò nhỏ của anh Sáng. Nhưng tính anh là như vậy, thích gì nói nấy. Anh đúng là Nguyễn Sáng, độc nhất vô nhị !
CÂU CHUYỆN 8
Có lần tôi mua được mấy con cua bể to, mang tới nhà anh Sáng để cô em dâu anh nấu ăn, nhưng chị ấy bảo: “Anh Sáng ra Hội Mỹ thuật”. Tôi tới Hội, thấy anh. Anh bảo: “Cạnh đây là nhà anh Diệp Minh Châu. Sang đấy nhờ vợ anh ấy làm cua”. Thời gian đó thần kinh anh Sáng hơi “có vấn đề”. Anh luôn cảm thấy đang bị kẻ xấu rình mò. Ở nhà anh Diệp Minh Châu, đang ngồi nói chuyện chợt anh Sáng nói: “Có kẻ đang đứng ngoài cổng cầm súng la-de định bắn tôi”. Anh Diệp Minh Châu lúc đó đang là đại biểu quốc hội, anh nói với anh Sáng: “Mày đang ở trong nhà thượng nghị sĩ có quyền bất khả xâm phạm, mày đừng sợ”. Về anh Châu, anh Sáng bảo tôi: “Thời đi học mỹ thuật Đông Dương, anh ấy vẽ giỏi hơn anh. Điểm anh ấy luôn cao hơn anh. Mà lạ lắm em ạ, gặp phụ nữ đẹp là anh ấy “tán ngay, nhưng không hề có một ý gì đâu, chỉ là thích và là thói quen thôi. Anh ấy tốt bụng lắm”.
CÂU CHUYỆN 9
Có một việc tôi cho là kỳ lạ. Ai cũng biết anh Nguyễn Sáng là bậc thầy về sơn mài và bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của anh là một bức sơn mài tuyệt phẩm. Ấy vậy mà khi tôi hỏi: “Anh thích sơn mài hay sơn dầu?”
“Anh vẫn thích sơn dầu hơn, anh vẽ sơn mài để kiếm sống !”, anh Sáng nói. Anh còn có một ví von nặng nề mà tôi không dám nhắc lại. Có một điều duy nhất mà tôi không bao giờ đồng ý với anh Sáng là việc anh không phục thiên tài sơn mài Nguyễn Gia Trí. Anh có những câu nói “động trời” về bác Trí. Tôi cho đây là sự đố kỵ giữa hai thiên tài.
Một lần tôi hỏi anh Dương Bích Liên, người cũng là bậc thầy về sơn mài và cũng là một họa sĩ đầy tự trọng, đầy kiêu hãnh: “Anh thấy sơn mài bác Trí thế nào?”
“Nó tới đỉnh rồi”, anh Liên đã trả lời như vậy.
Một lần tôi hỏi anh Sáng: “Anh thích tranh hay tượng?” Anh Sáng bảo:“Anh thích tranh vì tranh có màu”
CÂU CHUYỆN 10
Có một thời gian có một họa sĩ thích “hiện thực” chê Nguyễn Sáng vẽ hiện đại vì không vẽ hiện thực được. Anh Sáng liền vẽ chân dung ông ta rất thực. Vẽ xong, anh cho tôi xem và nói: “Em có thể khoác vai ông ta rủ đi chơi”. Sau đó anh lại xóa bức tranh đó đi.
VĨ THANH
Anh Nguyễn Sáng mất trong lúc tôi đi công tác tại Singapore. Trở về, tôi mang theo cho anh một chai rượu Martell và thuốc lá ba số 5, những thứ mà anh thường thích… Nhưng anh không còn nữa. Chai Martell tôi vẫn giữ hơn 30 năm qua để làm kỷ niệm, gián đã nhấm gần hết nhãn hiệu rồi. Những lúc ở Sài Gòn, nhớ anh, tôi bèn dậy sớm rán cho anh một miếng bít-tết, ít khoai tây, kèm theo một lon bia Heineken, một lon nước ngọt cho chị Thủy vợ anh, rồi mang lên mộ cho anh chị tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng thường mơ thấy anh Sáng, thấy bác Phái, thấy cả những bức tranh tuyệt đẹp mà lúc còn sống anh và bác Phái chưa từng vẽ. Hay là Anh và bác Phái đang vẽ tiếp trên thiên đường ?
Hà Nội, tháng 12/ 2020
Lê Đại Chúc